Đại lễ khánh thành Tượng Phật A Di Đà 48m cao nhất Miền Bắc

Trực tiếp chiêm bái KỲ QUAN TÂM LINH MỚI tại Miền Bắc – TƯỢNG PHẬT A DI ĐÀ 48m lớn nhất miền Bắc và lớn nhất Việt Nam về hình tượng Phật A Di Đà tại CÔNG VIÊN TƯỞNG NIỆM THIÊN ĐỨC

Đôi bàn tay của những kỳ vĩ

Nhắc tới điêu khắc gia Thụy Lam* nhiều người sẽ không ngạc nhiên nữa, ông nổi tiếng với bàn tay tạo nên các pho tượng Phật lớn nhất Việt Nam, thậm chí có cả tượng nắm giữ kỷ lục châu Á. Tuy vậy, ông lại trái ngược lại những điều ông tạo nên. Năm nay đã 72 tuổi, tay chân đã run run, dáng người gầy còm. Nhưng nhìn ông vẫn rất phiêu, thường trực trên đầu là chiếc mũ nồi cổ điển, tay “tỉa” thuốc liên tục.

Hậu duệ hoàng gia

Ông kể, gốc gác ông là hậu duệ vua Gia Long, bà cố bên mẹ ông là em vua Gia Long, bà là vợ của Võ Tánh – một tướng tài dưới thời vị vua này. Do cuộc chiến với nhà Tây Sơn, tướng Võ Tánh phiêu bạt vào vùng Đồng Tháp, An Giang và lập nghiệp nơi đây. Sau đó bố ông sang Campuchia sinh sống, lập gia đình và ông ra đời. “Mẹ tôi rất giàu, tôi học hết cấp 3, thì được gửi vào trường dòng để học tiếp, vì khi đó ở Campuchia chỉ có hệ thống giáo dục phổ thông, trường dòng như đại học ngày nay. Trường dòng cũng chỉ dành cho con em quý tộc, gia đình giàu có mới được học. Khi đó, bố mẹ tôi đều mong tôi thành thầy giáo hoặc thầy thuốc”, ông kể, tay vẫn không rời điếu thuốc, trán nhăn lại như để lật tìm ký ức.

Năm 1970, do tình hình Campuchia bất ổn, gia đình ông bán hết gia sản và về Sài Gòn sinh sống. Ban đầu ông đi day học một thời gian, nhưng vốn có máu nghệ sỹ trong người, ông không chịu được gò bó nên bỏ nghề giáo. Ông xin mẹ 2 cây vàng nói là đi buôn đồng nát, ve chai nhưng thực ra là đem bán lấy tiền đi nhậu với giới văn nghệ sĩ Sài Gòn lúc bấy giờ, như nhạc sĩ Thanh Tùng, Trinh Công Sơn, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương…. “Giai đoạn đất nước thống nhất còn nghèo lắm, người đói cũng không hiếm, giới văn nghệ sĩ càng đói hơn. Khi đó 2 cây vàng là cả gia tài, lấy lý do buôn bán để đem đi chiêu đãi anh em, chủ yếu được la cà cùng anh em nghệ sĩ là sướng rồi. Rồi tôi theo các thầy giáo Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định như họa sĩ Lê Văn Đệ đi trang trí sân khấu, phòng trà, khách sạn, như vẽ sân khấu cho Đoàn văn công giải phóng…”, điêu khắc gia hồi tưởng quá khứ, rồi cười khà khà.

Tôi hỏi “thế mẹ ông khi biết ông đem tiền đi nhậu có mắng chửi ông không”, Thụy Lam bật ngón tay gạt nhẹ tàn thuốc rồi nói tỉnh như không “bả có để ý gì đâu, bả biết mình đem tiền đi nhậu với bạn nghệ sĩ nhưng chẳng nói gì, bả giàu quá mà”.

Khoảng năm 1976-1977 – người nghệ sỹ ở cái tuổi ngoài thất thập cũng không còn nhớ chính xác, Thụy Lam may mắn gặp và quen nhà thơ Trụ Vũ (Trần Đại Bính). Biết Thụy Lam có năng khiếu hội họa, nhà thơ Trụ Vũ đã giới thiệu ông tới Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TPHCM ngày nay) để trang trí chùa, như vẽ sơn mái đao, vẽ cây bồ đề… “Làm ở Pháp viện, thấy cuộc sống thanh đạm, nhẹ nhàng, không bon che, lừa lọc với đời nên tôi ở lại luôn, vừa làm vừa nghiên cứu sách Phật. Thích ở chùa, thích vẽ tranh Phật, thích đàm đạo với các sư những triết lý Phật giáo tự nhiên huân tập vào trong tôi”, ông nói. Thời gian này ông quen và được các bậc thầy về mỹ thuật Phật giáo như: Trương Đình Ý, Lê Văn Chánh, Minh Dung hướng dẫn thêm. Đặc biệt ông được nhà điêu khắc về Phật giáo nổi tiếng vùng Phú Lâm (TPHCM) là ông Bảy Chánh tận tình chỉ dạy, nên từ chỗ chỉ chuyên về hội họa, Thụy Lam chuyển dần qua làm tượng, và rồi chỉ chuyên làm tượng Phật. Các thầy thấy Thụy Lam làm được nên cứ nhận rồi giao cho ông làm, còn các ổng đi chơi, riết rồi ông quen và thành nghề.

Tượng Phật A Di Đà cao 48m ở Công viên Tưởng niệm Thiên Đức – Phù Ninh (Phú Thọ) – công trình điêu khắc của nghệ nhân Thụy Lam

Nói tới điêu khắc gia Thụy Lam là nói tới các tác phẩm tượng phật kỳ vĩ, to cao nhất Việt Nam, thậm chí cả châu Á. Như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 25m (Thiện viện Vạn Hạnh, Đà Lạt); tượng Phật Di Lặc cao 33,6m, tương đương nhà 10 tầng (núi Thất Sơn, An Giang); tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 70m (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng). Và mới nhất là công trình Tượng Phật A Di Đà cao 48m, tương đương nhà cao 13 tầng (ở Phù Ninh, Phú Thọ) sẽ được khánh thành vào ngày 01&02/04/2017.

Phạm Thanh

*Thụy Lam tên thật là Phạm Dân Chủ, ông sinh năm 1945. Cha của Thụy Lam là nhà trang trí nội thất tài hoa, với các tác phẩm trang trí bên trong Tòa thánh thất Cao Đài Tây Ninh. Thụy Lam thừa hưởng những tài hoa của cha, ông học nghề điều khắc từ rất nhiều thầy, trong đó có họa sĩ Lê Văn Đệ – người sáng lập Trường Mỹ thuật Gia Định.